Độ phân giải hình ảnh là gì ? – Yếu tố quyết định bản in đẹp?
Khi nói đến hiệu chỉnh hình ảnh, độ phân giải là một trong những khái niệm quan trọng nhất phải nắm vững để in ra những bức ảnh trông đẹp mắt.
Khi nói đến hiệu chỉnh hình ảnh, độ phân giải là một trong những khái niệm quan trọng nhất phải nắm vững để in ra những bức ảnh trông đẹp mắt.
Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu độ phân giải thực sự là gì, khi nào bạn cần quan tâm về độ phân giải, và làm thế nào để kết hợp được các khái niệm này vào hình ảnh được in ra sau cùng của bạn.
Để hiểu được tất cả về độ phân giải, chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách xem xét kỹ lưỡng các ảnh kỹ thuật số của mình để xem chúng gồm những gì.
Định nghĩa pixel và độ phân giải
Mở một bức ảnh trong trình hiệu chỉnh hình ảnh mà bạn đã chọn và phóng to bằng công cụ Zoom hay Magnify (trong cả Photoshop và Photoshop Elements, trên máy Mac bạn có thể nhấn giữ phím Command và phím + liên tục để phóng to). Chẳng bao lâu, bạn sẽ thấy các ô vuông có màu. Những khối màu này được gọi là pixel (điểm ảnh), và tất cả các điểm ảnh này tạo thành hình ảnh bạn thấy trên màn hình. Tùy theo thiết lập chất lượng của máy ảnh số của bạn, bức ảnh có thể có vài trăm hay vài nghìn pixel theo chiều rộng và chiều dài.
Pixel không có kích thước định trước – nó có thể rất nhỏ hay rất lớn. Phép tính chi phối kích thước của pixel được gọi là độ phân giải. Thật vậy, thiết lập chất lượng trên máy ảnh số của bạn xác định số pixel chụp được là bao nhiêu khi bạn bấm nút đóng màn trập, nhưng có ai biết được các pixel này lớn cỡ nào. Trước khi bạn gửi lệnh in các ảnh này đến máy in, bạn cần phải đảm bảo rằng các điểm ảnh này đủ nhỏ để mắt thường không thấy được chúng.
Trong lĩnh vực in ảnh, độ phân giải được tính bằng dpi (dots per inch) là số điểm nằm trên diện tích 1-inch vuông, điều này có thể hiểu được vì hầu hết các máy in đều in thành điểm. Đối với hình ảnh trên màn hình – của máy tính, TV, plasma, hay máy chiếu – độ phân giải được tính bằng ppi (pixels per inch).
Tác động giữa pixel và độ phân giải
Độ phân giải chi phối kích thước của điểm ảnh (pixel) bằng cách xác định có bao nhiêu pixel được gom lại trong cùng một chỗ (được xem là mật độ pixel). Khi bạn tăng độ phân giải hình ảnh, pixel sẽ nhỏ hơn để có thể gom nhiều pixel hơn. Kết quả là kích thước in vật lý sẽ nhỏ hơn bởi vì các pixel nhỏ hơn này chiếm ít diện tích hơn các pixel lớn, dù pixel nhỏ hơn sẽ cho ra ảnh in mượt chất lượng cao. Hình ảnh độ phân giải thấp có ít pixel hơn được gom trong cùng một chỗ, điều này cho phép chúng có kích thước lớn hơn. Kết quả là kích thước in vật lý sẽ lớn hơn (các pixel lớn hơn chiếm nhiều diện tích hơn), ảnh in ra trông giống như được làm với các mảnh ghép Lego vì các pixel này lớn đến nỗi bạn có thể thấy từng điểm ảnh.
Khái niệm này dễ hiểu hơn nếu liên hệ với thực tế. Giả dụ bạn đang nướng bánh. Khi bạn cho đường màu nâu vào cốc đong (cốc định lượng), đường có thể lên đến mức đầy một cốc. Nhưng khi bạn nén chặt hạt đường vào trong cốc, đường bị nén xuống còn nửa cốc. Bạn vẫn có cùng số hạt đường (giống như số pixel); chúng chỉ bị nén chặt lại với nhau trong cùng một giới hạn vật chất của cốc đong (như ảnh của bạn). Các hạt đường không nén chặt ban đầu có thể ví như độ phân giải thấp, và các hạt bị nén chặt được ví như độ phân giải cao.
Độ phân giải chỉ quan trọng khi in ảnh
Máy in là một trong số ít các thiết bị có thể làm bất cứ điều gì với kích thước độ phân giải. Bạn có thể in ảnh độ phân giải thấp (72 ppi) và ảnh độ phân giải cao (300 ppi), và bạn sẽ có kết quả khác nhau: một ảnh in ra có từng khối và một ảnh mượt mà. Màn hình hiển thị máy tính, máy chiếu, và các thiết bị hiển thị kỹ thuật số khác, tất cả đều khác nhau vì trình điều khiển video – phần mềm kiểm soát những gì bạn thấy trên màn hình – đang kiểm soát độ phân giải để hiển thị. Vì thế, một ảnh 72 ppi xem giống y như một ảnh 600 ppi. Đó là lý do tại sao khái niệm độ phân giải lại khó hiểu đến thế – bạn không thể thấy được các thay đổi về độ phân giải trên màn hình.
Sự thực là độ phân giải chỉ quan trọng khi bạn đem ảnh đi in. Nếu ảnh của bạn được dự định để luôn xem trên màn hình – trên trang web, trong bài thuyết trình, hay để chiếu slide – độ phân giải không quan trọng vì người xem không thể thấy được sự khác nhau giữa các độ phân giải với nhau.